Đây là Nancy vào 7 tháng trước:
“Xin chào các bạn, hôm nay là ngày 24/8/2023
Mình là Nancy. Và chào mừng các bạn đã đến với Nancy Dairy
Mình không phải một cô gái giỏi giang hay xuất trúng gì, nhưng bản thân mình luôn mong muốn mình có thể nỗ lực thật nhiều, nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện chính mình nhiều hơn. Có một câu nói mình tin rằng là nó đúng: Nếu bạn không tiến lên thì một khi bạn dừng lại, bạn sẽ bị xã hội đào thải.
Có thể nói sau những năm đại dịch, mình sống chậm lại và bắt đầu tập trung để rèn luyện, học tập thay đổi từ quan niệm sống, những nhận thức về cuộc sống, về chỉ số cảm xúc, cách nhận diện và quản lý cảm xúc. Chắc chắn khoảng thời gian đó là bước ngoặt của cuộc đời mình, của sự trưởng thành về con người ở bên trong.
Khi bạn bè hỏi:”Cuộc sống của mày dạo này thế nào?” Ồ mình chỉ biết nói là nó ổn, mình quản lý cảm xúc tốt, không bị đau khổ hay những điều không như ý chi phối quá nhiều, công việc cũng vẫn thế, ngày đi làm, chiều tối về đi dạy. Kinh tế cũng khá ổn và không phải suy nghĩ về kinh tế quá nhiều. Nhưng mình bắt đầu nhận thấy những khoảng thời gian bất ổn nhiều hơn, những câu hỏi ập đến nhiều hơn bên trong tâm trí mình. Này Nancy, mày sẽ phát triển như thế nào, đi tiếp như thế nào, phiên bản của những năm tới sẽ như thế nào?
Lý do của những trăn trở này?
Có 2 lý do khiến mình thật sự suy nghĩ rất nhiều về điều đó
Một là bản thân mình ghét sự dừng lại, sự dậm chân tại chỗ
Hai là mình mong muốn những gì mình làm được có thể giúp đỡ người khác, mình vẫn luôn khẳng định rằng một trong những điều làm mình hạnh phúc là mình có thể hỗ trợ một ai đó để cuộc sống của họ tốt hơn.
Sự an toàn đôi khi đang giết chúng ta một cách từ từ, khi mà mọi thứ đi quá đúng quỹ đạo, quá ổn, cũng không phải lo lắng gì về kinh tế, thì mình tin là đó là một dấu hiệu cảnh báo cho sự bất an toàn trong một tương lai gần. Rõ ràng, thời gian gần đây, mình dễ dãi với bản thân, nuông chiều chính mình nhiều hơn, tìm lý do để tự ngụy biện cho sự lười biếng của chính mình. Ví dụ như mình tự nói với bản thân, trong đạo Phật người ta vẫn hay nói rằng: “Bạn nên hài lòng với những gì mình đang có”. Đúng vậy, Nancy ơi, cuộc sống hiện tại của mày đang quá tốt rồi mà, mày đang có quá nhiều thứ rồi mà. Phải công nhận tâm trí này rất đáng sợ, vùng dễ chịu này không ngừng thao túng chúng ta và làm chúng ta chết dần chết dần không hay biết. Mình đã nghĩ đến câu chuyện về một con ếch mà mọi người từng nói đến, nếu con ếch được thả vào nồi nước sôi, thì nó sẽ nhảy ngay ra khỏi nồi để tìm đường sống. Còn nếu một con ếch được thả vào nồi nước đang đun, nó sẽ chết dần chết dần lúc nào không hay. Ồ, mình đang giống con ếch đến thế sao???
Điều gì đã làm mình thức tỉnh?
So sánh bản thân với người khác. Mọi người vẫn thường nói không nên so sánh bản thân với người khác, nhưng mà so sánh khi nhìn vào mặt tích cực, nó sẽ giúp ta đi lên và phát triển. Thú thật, khi Nancy nhìn thấy bạn bè, những người chị, hay những người em, họ đang nỗ lực mỗi ngày, Nancy biết không hẳn sự nỗ lực ấy để chứng minh với một ai đó là tôi giỏi,tôi xuất sắc.
Nancy tin là họ đang không ngững nỗ lực để theo đuổi chính mình ở một phiên bản tốt đẹp hơn. Thì khi nhìn lại mình, Nancy thấy bản thân thất bại, thực sự thất bại. Bao nhiêu kế hoạch dự định trong năm 2023, mình thực hiện được chả đáng là bao. Cảm giác đến gần hết tháng 8 rồi mà mình vẫn không làm được điều gì. Thất vọng về bản thân rất nhiều.
Mục tiêu hiện tại của Nancy là gì?
Có 2 mục tiêu lớn nhất của Nancy trong năm nay là học Tiếng Anh và phát triển Coaching.
Nhìn lại hình như, không phải là hình như mà chắc chắn là chưa đi được bao nhiêu. Thật xấu hổ với chính mình. Tự hỏi bản thân tại sao lại không dám mơ lớn, nhìn những người bạn cùng trang lứa, hộ thật xuất sắc. Tại sao mình lại không thể, không ngừng hoài nghi về năng lực của bản thân. Mình biết do mình cố gắng chưa đủ.”
Hello xin chào mọi người, phía trên là sự trách móc về chính mình, tự chỉ trích bản thân một cái tệ hại.
Và ngày hôm nay chúng ta sẽ bàn về cách ngừng khắt khe với bản thân, cách chữa lành sự chỉ trích bản thân, cách buông bỏ những áp lực và kỳ vọng không cần thiết mà bạn luôn đặt lên bản thân.
Trước tiên, bạn có thể giơ tay lên nếu bạn cảm thấy mình có bất cứ thói quen tự hủy hoại bản thân , khắt khe với bản thân, trở thành nhà phê bình khó tính nhất và tự đặt mình vào những áp lực và căng thẳng khi điều đó không phải lúc nào cũng cần thiết. Mình chắc rằng sẽ có rất nhiều bạn đang giớ cánh tay lên và mình cũng như vậy.
Và năm 2023 vừa qua là một năm mà mình dành thời gian quan sát bản thân và đã tìm được cách để xóa bỏ những cái niềm tin cũ này, để thấu hiểu rằng tại sao mình lại luôn trách móc bản thân vì sự kém cỏi của chính mình, để mình luôn cố gắng hết sức để làm một điều gì đó, kiếm nhiều tiền hơn đến mức kiệt sức.
Tại sao mình luôn đòi hỏi, kỳ vọng cao ở bản thân như vậy. Tại sao mình không bao giờ chịu hài lòng với những gì mình đang có? Tại sao mình luôn gây áp lực lên bản thân mà không có lý do nào cả?
Điều đầu tiên hãy trả lời câu hỏi What.
Điều gì khiến bạn luôn khắt khe với chính mình và ghi vào nhất ký, hãy hỏi đi hỏi lại nhiều lần và lắng nghe tiếng nói bên trong của bạn. Lý do mình muốn bạn hỏi đi hỏi lại là bởi vì thông thường những câu trả lời đầu tiên là những câu trả lời ở cấp độ bề mặt, những phần nổi lên mà có thể không thực sự là con người bạn.
Bạn đã từng nghe câu nói “con người giống như củ hành” chưa? Chúng ta có rất nhiều lớp che giấu bản chất cốt lõi của mình. Khi bạn bóc đi một lớp, lớp khác sẽ xuất hiện!
Vì vậy mình nghĩ đây là bước khởi đầu để bạn bắt đầu nhận thức về những cái lý do khiến bạn làm cho cuộc sống mình trở nên khó khăn hơn mức cần thiết. Mục đích của điều này là để bạn có thời gian chiêm nghiệm lại những câu chuyện cũ hoặc những suy nghĩ, quan điểm, niềm tin từ nhiều năm trước để rồi vạch trần sự thật ở phía sau.
Nêu bạn tìm hiểu sâu thì mình nghĩ rằng những suy nghĩ và niềm tin tiềm ẩn khiến bạn trở nên như vậy.
Liệu bạn có nói với chính mình rằng: Tôi không đủ tốt, tôi không đủ giỏi, tôi không đủ xinh đẹp, tôi không có xứng đáng,…. tôi không đủ…… Những niềm tin tiềm ẩn này khiến bạn cảm thấy tồi tệ về chính mình, nó hủy hoại sự tự tin của chúng ta, và nó thực sự kìm hãm chúng ta một cách vô lý bởi vì chính chúng ta đang đối xử tệ với bản thân chứ không phải là một ai khác.
Anyway, một bước quan trọng để thay đổi là nhận thức (awareness). Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên là nâng cao nhận thức thì việc bạn dành thời gian ngồi xuống để chiêm nghiệm về chính bản thân mình và dám chấp nhận đối diện với những khoảng tối từng xảy ra trong cuộc đời.
Hãy để mình bắt đầu với câu chuyện của bản thân, để mình cố gắng chia sẻ một cách ngắn gọn câu chuyện của chính mình. Trên hành trình chữa lành cho những tổn thương bên trong, mình nhận ra sức khỏe tinh thần của mình thực sự rất báo động, và vì mình hiểu đây sẽ là một hành trình không hề đơn giản, không phải mình cứ muốn thì vết thương tâm lý ấy sẽ lành lại. Và khi đối diện với từng vấn đề nhỏ về tâm lý, mình lại dần đi sâu vào bên trong, khám phá, tìm hiểu, kết nối và chữa lành.
Và vấn đề quá khắt khe với bản thân cũng như vậy.
Khi đạt được một số thứ trong cuộc sống, mình có 2 công việc một công việc nhà nước ổn định và một công việc được cháy hết mình với đam mê, với mức lương dư dả để nuôi chính mình và 2 con mèo, mình có nhà để ở, có xe để đi, có người yêu để quan tâm chăm sóc cho mình. Mình nghĩ mình có quá đủ trong cuộc đời rồi để giữ tối hạnh phúc và vui vẻ.
Tuy nhiên, mình vẫn căng thẳng về những con số, cảm giác cuộc sống vẫn là một vòng lặp và mình vẫn không làm được trò trống gì, mình vẫn khao khát kiếm nhiều tiền hơn, tự do tài chính. Chính vì vậy, Nancy đã thúc đẩy bản thân cần phải làm việc chăm chỉ hơn. Và mình đã tự hỏi bản thân?
Tại sao mình lại căng thẳng đến vậy, tại sao phải cố gắng nỗ lực nhiều như thế. Mình nhớ thời gian đó mình luôn thức dậy làm việc từ 5h00 sáng đến tối muộn, rảnh rỗi một chút thì đọc sách, học này học kia,… thứ bảy chủ nhật vẫn tiếp tục gọi khách, làm lịch tập,… để tiếp tục đạt được nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
Tại sao mình không thể hài lòng với tất cả những gì mình đang có và gây dựng từ trước đến này? Giống như mình chỉ đang thúc đẩy bản thân một cách không cần thiết, và rõ ràng việc học và làm quá nhiều này khiến mình kiệt sức.
Thật ra thì mình đã không thể duy trì trạng thái làm việc ngày 12 13 tiếng ấy quá 3 tuần. Chính xác mình cạn hết năng lượng và thực sự sức khỏe thể chất của mình đang gào rú lên đòi được nghỉ ngơi. Và tất nhiên dù có cố đến thế nào đi chăng nữa, mình vẫn phải dừng lại.
Nhưng vấn đề ở đây là, khi mình dừng lại, mình lại cảm thấy tội lỗi. Khi mình ngừng chăm chỉ một cách không cần thiết, mình lại tự trách móc chính mình vì sự buông thả, và nuông chiều bản thân. Những câu nói như mình làm chưa đủ, mình quá lười biếng, mình phải cố gắng nỗ lực hơn, mình có thể làm nhiều hơn thế,… liên tục xuất hiện trong tâm trí mình và những lời nói tiêu cực đó đang bóp nghẹt mình trong thế giới u tối của riêng mình.
Mình nhớ khoảng thời gian đó kéo dài rất lâu, mặc dù mình biết những gì mình đang đối xử với bản thân là không lành mạnh, nhưng không phải nói đừng làm khổ chính mình nữa, đừng khó khăn với bản thân quá mức như thế nữa là điều đó sẽ dừng lại.
Và khi mình liên tục viết nhật ký và trả lời cho những câu hỏi phía trên thì mọi việc vẫn chưa thực sự được sáng tỏ. Cho đến khi mình phải gặp một chuyên gia khai vấn về tâm lý, khi mình trả lời các câu hỏi của chị ấy, thì mình mới nhận ra rằng thói quen khắt khe với bản thân đã xuất hiện từ khi mình còn nhỏ, luôn thúc đẩy bản thân, để học nhiều hơn, chăm chỉ hơn, trở thành học sinh giỏi, xuất chúng đạt được nhiều thành tích cao.
Về cơ bản, điều khiến mình trở nên như vậy là vì mình được nuôi dưỡng bởi một người cha luôn kỳ vọng rất cao.
Và ở thời điểm đó, nếu mình không đạt điểm cao, không được học sinh giỏi thì mình sẽ không thể hình dung được bố mình sẽ đối xử với mình như thế nào. Mình rất sợ hãi nếu không đỗ trường chuyên, không đỗ đại học, không trở thành người xuất sắc và giỏi giang.
Vì thế để không phải đối diện với sự sợ hãi đó, mình phải trở thành người xuất chúng hơn.
Bên cạnh đó, mình muốn trở nên giỏi hơn để có thể kiếm nhiều tiền hơn để tự lo cho cuộc sống của chính mình. Mình đã nghĩ khi không phải phụ thuộc kinh tế từ bố, mình sẽ có cơ hội tự quyết định cuộc sống của mình. Và mình cũng muốn chứng mình giá trị của bản thân với ông ấy. Là dù không có ông, thì cuộc sống của mình vẫn rất tốt. Và tôi xứng đáng có được mọi thứ.
Điều đó cũng gắn liền với ý thức về giá trị bản thân cũng như nhu cầu được yêu thương và chấp nhận của mình.
Chính vì thế, thành công đối với mình khi lớn lên ngang bằng với giá trị của mình; thành công ngang bằng với tình yêu mà mình có. Vì vậy, nó trở thành chu kỳ phản hồi trong não bộ rằng khi mình làm tốt, thì mình được công nhận; cảm giác được yêu thương và ghi nhận.
Chính vì thế, mình lại càng cố gắng làm tốt hơn để được công nhận và yêu thương nhiều hơn. Và nó tiếp tục xếp chồng lên nhau và mình đã lớn lên theo cách đó.
Giá trị của bản thân mình không bắt nguồn từ bên trong con người mình.
Không ai nói với mình rằng mình xứng đáng như thế nào. Vì vậy, mình nghĩ rằng giá trị của nhiều người cũng mất đi và họ thậm chí còn không nhận ra nó. Và chỉ đến khi bạn nhận ra rằng mình đang rất tệ về mặt tinh thần thì may ra bạn mới có thể chịu dừng lại để hỏi chính mình về tất cả nguồn cơn này bắt đầu từ đâu, từ lúc nào và tại sao.
Thật buồn cười nhưng xu hướng này lại vô cùng phổ biến ở xã hội hiện nay, khi sự đánh giá về giá trị của một người lại đến từ sự năng suất, thành công của họ.
Chính vì vậy, năng suất và thành công trở thành mục đích sống của họ, và mọi người có thể nhìn thấy những người có thể kiếm được rất nhiều tiền, và dù thành công đến mức độ nào đi chăng nữa, thì họ vẫn không thể dừng lại.
Rất nhiều người trong số họ phải sống với sự bất an, và họ bị ràng buộc với những thứ mà lẽ ra không phải ràng buộc.
Và mình sẽ chia sẻ việc cách mà mình đã ngừng khắt khe với bản thân ở tập tiếp theo.
Chúc mọi người cảm thấy đồng cảm với những gì mình chia sẻ phía trên và có thể nhẹ nhàng và yêu thương chính mình.
#WOTN5'
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày trên Writing on the net.